Tránh thai khi đang cho con bú : Chị em cần lưu ý điều gì ?

Sữa mẹ là loại sữa tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chính vì thế các chuyên gia luôn khuyến nghị nên cho con bú bằng sữa mẹ để bé có đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên trong thời gian này nhiều chị em sợ mang lại sau khi sinh nên đã sử dụng các biện pháp tránh thai. Nhưng liệu các chị em đã sử dụng đúng cách để không ảnh hưởng đến bé hay đến lượng sữa chưa? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

 1. Thời điểm nào có khả năng thụ thai trở lại sau khi sinh ?

Thường sẽ khó để xác định được thời điểm bạn sẽ có khả năng thụ thai lại sau khi sinh, tuy nhiên nếu có biểu hiện hành kinh quay lại, thường khoảng sau 6 tuần lễ từ khi sinh con thì bạn đã có khả năng mang thai trở lại, đặc biệt là xảy ra quá trình rụng trứng, thì khả năng mang thai sẽ cao hơn. Chính vì thế nếu có những biểu hiện trên và bạn muốn quan hệ trở lại thì nên dùng các biện pháp tránh thai an toàn để tránh việc mang thai ngoài ý muốn.


Cho con bú


2. Dùng biện pháp tránh thai nào an toàn khi con đang bú sữa mẹ ?

Để đảm bảo chất lượng sữa cũng như tránh các chất không có lợi cho bé thâm nhập vào sữa mẹ thì các chị em nên sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn bao gồm:

Sử dụng các biện pháp ngừa thai không có hormone

Đây là biện pháp tránh thai an toàn chị em nên dùng vì những phương pháp này không chứa hormone nên không làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa, các phương pháp có thể đề cập đến bao gồm : bao cao su, vô kinh khi cho con bú hay vòng tránh thai.

2.1 Dùng bao cao su

Dùng bao cao su


Bao cao su được xem là biện pháp tránh thai cũng như các bệnh lây nhiễm an toàn nhất, chính vì thế nếu bạn đang cho con bú thì việc sử dụng bao cao su ngay lần quan hệ đầu tiên sau sinh là an toàn và không gây ảnh hưởng gì đến chất lượng sữa cũng như các tác động khác đến thành phần của sữa. Tuy dùng bsc có thể khiến bạn không có cảm giác chân thật tuy nhiên để tránh việc mang thai ngoài ý muốn cũng như để đảm bảo an toàn thì bạn nên cân nhắc sử dụng phương pháp này.

2.2 Phương pháp vô kinh (LAM)

Đây được xem như là phương pháp tự nhiên và xác suất thành công lên đến 98%, những ưu điểm của phương pháp này có thể kể đến như cách thực hiện đơn giản, không có tác dụng phụ, không tốn kém chi phí hay ảnh hưởng đến việc quan hệ tình dục cũng như mang lại nhiều lợi ích khác nhau cho mẹ và bé. Tuy nhiên bạn cần đáp ứng một số điều kiện sau : 

  • Cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ
  • Mẹ chưa có kinh lại trong vòng 56 ngày sau khi sinh
  • Bé dưới 6 tháng tuổi
Dùng biện pháp vô kinh


Việc cho bé bú trực tiếp từ bầu sữa mẹ sẽ giúp kích thích tiết ra hormone prolactin giúp ức chế FSH và GnRH, đây là hai hormone kích thích sự trưởng thành và rụng trứng, dẫn đến việc ức chế rụng trứng và không có kinh. Mẹ nên cho bé bú khoảng 4 giờ vào ban ngày và 6 giờ vào ban đêm hoặc khi bé đói. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì tỉ lệ thất bại khá thấp vào khoảng 2%, còn với các bé từ 6 tháng trở lên thì tỉ lệ thất bại là 5%. Để đạt hiệu quả tốt thì mẹ cần có chế độ ăn uống đầy đủ và lành mạnh, nhưng phương pháp này vẫn còn nhiều hạn chế nếu mẹ không thực hiện đúng thì rất dễ mang thai ngoài ý muốn.

2.3 Sử dụng vòng tránh thai

Việc đặt vòng tránh thai khi đang cho con bú là biện pháp hiệu quả và không gây bất cứ ảnh hưởng xấu nào tới sữa mẹ, vì thế chất lượng sữa cũng như các thành phần trong sữa sẽ không bị ảnh hưởng. Việc đặt vòng nên thực hiện sau 6 tuần hậu sản để tử cung co hồi lại một cách bình thường. Đây cũng là một phương pháp an toàn để tránh mang thai ngoài ý muốn tuy nhiên cần lưu ý là nó không ngăn chặn được các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Dùng các biện pháp tránh thai có hormone

Ngoài những biện pháp tránh thai không có hormone thì một số biện pháp tránh thai có hormone vẫn được sử dụng bao gồm : 

2.4 Thuốc tiêm tránh thai DMPA

DMPA là loại hormone tương tự kích thích tố progesterone sinh ra ở buồng trứng, chúng ngăn trứng rụng khỏi buồng trứng từ đó ngăn chặn việc mang thai ngoài ý muốn. Thuốc được kiểm nghiệm và xác nhận là không gây hại cho mẹ và bé nên được xem là biện pháp có hiệu quả cao. Tuy nhiên có một số khuyến cáo khi sử dụng thuốc như tránh sử dụng khi bạn có dấu hiệu mang thai, đang gặp các bệnh lý như ung thư vú, hay với những chị em dưới 18 hay trên 45 tuổi thì cũng không nên sử dụng vì có thể ảnh hưởng đến mật độ xương, một số người có thể gặp tình trạng rong huyết hay tăng cân. Chính vì thế nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.

2.5 Thuốc tránh thai chỉ có Progestin

Đây là loại thuốc uống tránh thai mà trong thành phần của nó chỉ có một chất nội tiết tố thuộc nhó Progestin. Chất nội tiết tố này không ảnh hưởng tới việc tiết sữa cũng như chất lượng sữa. Thuốc hoạt động theo cơ chế ức chế rụng trứng, làm mỏng niêm mạc của tử cung khiến chúng không thuận lợi cho sự làm tổ của trứng. Bên cạnh đó các thành phần của nội tiết tố Progestin sẽ làm cho niêm dịch cổ tử cung dày đặc hơn, từ đó tạo rào cản khiến tinh trùng khó có thể xâm nhập vào tử cung hơn.

Tỷ lệ thành công của phương pháp này có thể lên đến 99% tuy nhiên cũng có một số tác dụng phụ như giảm lượng máu kinh, ra máu giữa kinh tuy nhiên chúng thường diễn ra ở mức độ nhẹ và không ảnh hưởng nhiều đến cơ thể. Để đạt được hiệu quả cao, nên uống chúng mỗi ngày vào cùng một thời điểm, nếu quên thì cũng không được trễ quá 3 giờ, nếu trễ quá 3 gờ thì cần sử dụng các biện pháp phòng ngừa khác trong 48h tiếp theo để đảm bảo an toàn.

2.6 Que cấy tránh thai Implanon

Dùng que cấy tránh thai cũng là lựa chọn phù hợp cho các chị em đang cho con bú vì biện pháp này cũng không ảnh hưởng đến sữa mẹ cũng như việc cho bé bú hàng ngày. Que cấy tránh thai Implanon chứa hóc môn chống rụng trứng, sau khi cấy thì progestin sẽ được phóng thích đều đặn mỗi ngày, việc ức chế rụng trứng sẽ ngăn chặn khả năng sinh con ngoài ý muốn. Và phương pháp này cũng có một số tác dụng phụ như tình trạng rong huyết trong vài tháng đầu hay tình trạng vô kinh.  

2.7 Dùng thuốc tránh thai phối hợp trong giai đoạn cho con bú


Thuốc tránh thai


Phương pháp này được khuyến cáo không nên dùng khi đang cho con bú đặc biệt là trong khoảng thời gian đầu vì loại thuốc này có chứa estrogen. Theo khuyến cáo của WHO thì các bà mẹ đang cho con bú nên đợi khi trẻ được 6 tháng tuổi mới sử dụng vì sau giai đoạn này hệ tiêu hóa của bé đã ổn định hơn. Ưu điểm của phương pháp này là có hiệu quả cao hơn các loại thuốc tránh thai chỉ chứa progestin, còn nhược điểm là nó có thể làm giảm lượng sữa tuy nhiên lượng estrogen tiết qua sữa không gây hại cho trẻ sơ sinh có thể trạng bình thường, với những trẻ sinh non thì không nên sử dụng.

Theo các khuyến nghị chung, khi trong giai đoạn cho con bú thì các mẹ nên dùng các biện pháp tránh thai không chứa hormone. Tuy nhiên nếu muốn sử dụng các biện pháp tránh thai có hormone  mà không ảnh hưởng tới sữa mẹ thì nên lựa chọn các biện pháp phù hợp đã qua kiểm chứng, điều quan trọng là nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho bé cũng như phù hợp với bản thân.

 

Tin liên quan

Bình luận

top